Để thích ứng với nền nông nghiệp đô thị, nhiều “Hai Lúa” ở TP.HCM đã chủ động ra nước ngoài học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa cảnh.
Đến xã Hưng Long (huyện Bình Chánh) hỏi ông chủ vườn sứ Ba Đô Trương Văn Phượng, hầu như ai cũng biết. Ông hiện đang là chủ nhiệm CLB Hoa sứ Hưng Long và là một trong những người góp phần phát triển
cây hoa sứ ở vùng đất đầm lầy này. Hiện nay vườn sứ Ba Đô của ông không chỉ cung cấp sản phẩm cho khách hàng tại TP.HCM mà còn nhiều tỉnh thành khác, thậm chí xuất cả sang Nhật.
Vườn sứ Ba Đô được hình thành sau khi ông Trương Văn Phượng lặn lội ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm.
Ra nước ngoài học trồng hoa
Có được sự thành công này, ngoài việc nghiên cứu tìm hiểu cách trồng sứ trên sách báo, Internet… ông Phượng phải lặn lội ra nước ngoài học tập kinh nghiệm. Ông cho biết đã nhiều lần sang Thái Lan học tập kinh nghiệm trồng hoa sứ.
“Ở Thái Lan, nghề trồng hoa sứ phát triển mạnh, sản xuất quy mô lớn nên tại đó tôi học được nhiều kiến thức về cách trồng, chăm sóc cũng như ghép, lai tạo hoa sứ” - ông Phượng nói.
Cũng từ các chuyến đi ấy, ông đã trang bị được thêm kiến thức về trồng và chăm sóc hoa sứ, đồng thời cũng mang về được nhiều giống hoa sứ mới để ghép, lai tạo thành công các loại hoa sứ tạo sự đa dạng cho sản phẩm. Hiện nay các loại hoa sứ Ba Đô rất được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng.
Cũng như ông Phượng, chị Trần Thị Ngọc Tuyết (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) được xem là người thành công nhất trong nghề trồng lan sau khi xuất ngoại. Chị cho biết trước đây gia đình chỉ trồng lúa, hoa màu nhưng do thời tiết không thuận lợi, giá cả bấp bênh nên hiệu quả mang lại không cao.
Năm 2006, chị mạnh dạn vay vốn từ chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố để trồng 500 gốc lan. Lúc mới trồng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật vì các giống lan nhập từ nước ngoài, nhưng sau khi được đi học tập kinh nghiệm tại Thái Lan, Trung Quốc chị đã thành công trong nghề trồng lan.
Từ chỗ ban đầu diện tích chỉ vài trăm mét vuông, giờ đây chị Tuyết đã mở rộng quy mô vườn lan lên 4,6ha với số lượng khoảng 60.000 gốc. Thu nhập bình quân của trang trại đạt 1,8 tỷ đồng/năm. Theo chị Tuyết, các chuyến học tập kinh nghiệm ở nước ngoài rất bổ ích, cũng nhờ đó mà chị có những kiến thức, kinh nghiệm để ứng dụng cho sản xuất lan và có được sự thành công như hôm nay.
Giống như ông Phượng, chị Tuyết, nhiều nông dân TP.HCM đã thành công sau khi xuất ngoại học nghề. Điển hình như ông Trịnh Minh Tân (huyện Củ Chi) sau khi đi học tập kinh nghiệm tại nước ngoài về đã xây dựng được vườn
hoa cảnh trị giá bạc tỷ; hay trường hợp lão nông Trần Văn Xê cũng khá thành công trong nghề trồng lan…
Hỗ trợ nông dân xuất ngoại
Theo Hội nông dân TP.HCM, từ năm 2006 - 2010, thành phố đã tổ chức 6 đoàn đưa nông dân đi học tập ở Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) với số lượng là 117 người tham gia. Những nông dân được đưa đi học tập kinh nghiệm về trồng và kinh doanh hoa lan, nuôi bò sữa, trồng rau an toàn...
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội nông dân TP.HCM cho biết, việc đưa nông dân xuất ngoại giúp họ tiếp thu những kinh nghiệm và kiến thức hay để áp dụng vào sản xuất, từng bước thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị.
Sau các chuyến đi học tập, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất và đạt được những thành công với các mô hình sản xuất. Ông Phụng cho biết thêm, bên cạnh việc đưa nông dân đi học tập nước ngoài, hiện nay Hội nông dân thành phố đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án đưa nông dân học tập các mô hình kinh tế hiệu quả trong nước.
Nếu thành phố phê duyệt, đề án này có thể thực hiện ngay trong năm 2014. Theo ông, việc đưa nông dân đi học tập các mô hình trong nước là rất cần thiết, vì số lượng được đưa đi học tập nước ngoài có hạn (25 người/đợt), trong khi ở trong nước cũng có nhiều mô hình hay và có thể học tập, ứng dụng được tại thành phố.
Hữu Ký
Theo Dân Việt