Với hàng nghìn tác phẩm đá cảnh, gỗ lũa đủ loại sau hơn 70 năm kỳ công sưu tập nếu xếp ông Nguyễn Văn Mỹ vào bậc "đại gia" trong làng chơi đá cảnh cũng chẳng ngoa.
Không nhận mình là người giàu có về tiền bạc, nhưng "thâm niên" trong việc ngược Bắc, xuôi Nam, thậm chí lặn lội xuất ngoại qua hơn 40 nước trên thế giới để tìm mua đá cảnh thì khó có ai sánh bằng ông Mỹ.
Một tác phẩm gỗ lũa được trưng bày tại phòng khách nhà ông Mỹ.
Dẫu đã nghe kể nhiều về người đàn ông "cuồng" đá nhưng tôi vẫn không khỏi choáng ngợp khi bước vào ngôi nhà 5 tầng nằm phố Vĩnh Hồ, Hà Nội. Ngay cả sân trước, phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, thậm chí... nhà vệ sinh đều được ông tận dụng để trưng bày những khối đá quý. Thấy tôi ngạc nhiên, ông cười khà phẩy tay: "Đã là gì đâu. Những khối đá lớn tôi đã mang gửi anh em bạn bè rồi"."Lắm lúc nhịn ăn, vay tiền để chơi đá"
"Tôi bị đá "bỏ bùa" từ năm lên 10", ông Mỹ tếu táo mở đầu câu chuyện. Theo lời ông, trước bố mẹ ông có cửa hàng bán đồ đá. Vậy nên từ năm tròn 10 tuổi ông đã theo bố đến các mỏ đá mãi Thanh Hóa để chọn mua. Cứ thế, chả hiểu từ lúc nào ông đâm ra say mê những khối đá nhiều màu sắc, với những hình thù lạ, đẹp mắt. Kể từ ngày đấy, cái "thú" sưu tầm đá đã bám riết lấy ông đến nay đã ngót 70 năm.
Ông Mỹ trong một lần băng rừng tìm đá.
Ông bảo, cứ nghe ở đâu có đá quý, đá đẹp là ông lại "lồng lên như người lên đồng", chẳng kể đèo cao, suối sâu ông cũng lặn lội đến xem, tìm mua cho kỳ được. Thậm chí, không ít lần ông "xuất ngoại" để thỏa cái ham thích của mình, tính sơ sơ cũng... hơn 40 nước."Nhiều người bảo, chơi đá là thú vui của đại gia, thật ra không hẳn thế. Tiền tất nhiên cũng cần, tuy nhiên, cái tài, cái tâm của người chơi mới quý. Tài là phải am hiểu đá, tâm là yêu đá, biết thổi hồn vào đá, trân trọng đá và có cái "duyên". Người ta bảo "quý vật đi tìm quý nhân" là thế...", ông Mỹ khề khà kể.
Chỉ tay vào khối đá có tên Kỳ Sơn Thạch, vốn là khối đá nức danh trong làng chơi đá cảnh thế giới, ông bảo đó là "vật cưng" ông yêu thích nhất. Khối đá được tạo nên bởi nham thạch phun trào từ miệng núi lửa, có màu đen bóng. Nhưng điều làm nên giá trị của nó chính là hình thù độc đáo có một không hai.
Nhìn từ mỗi góc độ khối đá lại có hình thù khác nhau. Lúc thì nhìn như con rồng uốn lượn, lúc lại hình thiên nga sải cánh, khi thì hình con trâu... nếu nhìn tổng thể thì như hình núi non trùng trùng.
Khối đá Kỳ Sơn Thạch được bày ở phòng khách nhà ông Mỹ.
Ông Mỹ bồi hồi kể: "Khối đá này là lần tôi đến nhà cụ Amakong ở Bản Đôn cắt thuốc. Trong lúc chờ cụ, tôi mới sang hàng xóm chơi. Họ dùng khối đá này để... kê vại nước. Ngay lập tức tôi đã bị mê mẩn bởi vẻ đẹp diệu kỳ của nó. Tôi xin mua lại thì họ đòi có... 20 kg gạo. Chẳng hiểu lúc ấy nhờ sức mạnh gì mà tôi vội vàng ôm phăng phăng tảng đá hơn 100 kg mang ra xe. Lòng mừng như trúng độc đắc, chỉ thiếu mỗi nước nhảy cẫng lên, cứ vừa đi vừa nơm nớp sợ họ đòi lại.Đến bây giờ nghĩ lại, nếu không phải vì cái duyên thì dù có bao nhiêu tiền tôi cũng không có được khối đá quý giá như vậy. Nhiều đại gia, và nhiều đoàn nước ngoài đến hỏi mua, kể cả triệu đô nhưng tôi cũng không bán".
Khối đá ông sưu tập từ năm lên 10 hiện vẫn được cất giữ cẩn thận trong tủ kính.
Mê đá, say đá là thế, nhưng cũng vì đá mà không ít lần vị "đại gia" này rơi vào cảnh khốn đốn. "Cảnh "nịnh vợ" mở két , nhịn ăn, rồi chạy ngược chạy xuôi vay tiền thì nhiều lắm. Nhưng khi mang được về nhà, ngắm nhìn kẻ đẹp diệu kỳ của nó... mọi lo toan dường như tan biến. Tim đập mạnh, cảm giác như xốn xang khi lần đầu nắm tay một cô gái đẹp. Cảm giác ấy thì không tiền nào mua nổi.Thấy chồng làm được bao nhiêu tiền đổ hết vào đá, rồi lắm lúc mất ăn mất ngủ lặn lội tìm mua, vợ tôi cũng phản đối dữ lắm. Nhưng sau mang về nhà, diết rồi vợ cũng thành yêu, thành mê, chả kém gì tôi", ông hào hứng kể.
"Tôi là người mắc nợ đá"
Tay mân mê, lần từng vân đá, ông cười ha hả khoe mới mua được khối đá có hình con ngựa, cũng trùng với con giáp của ông. Rồi bộ xương khủng long hóa thạch hay bộ sưu tập đá hình 12 con Giáp ông mất 23 năm tìm kiếm, 4 mùa Xuân, Hạ, Thu Đông được xẻ từ hàng trăm khối đá khác nhau, đá hình Bồ Tát, hay khối đá tự nhiên có hình Vịnh Hạ Long...
Khối đá tự nhiên có hình Vịnh Hạ Long của ông Mỹ.
Bộ sưu tập 12 con Giáp với những khối đá tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Mỹ bên vợ.
Ở tuổi 82, dù mái tóc đã bạc trắng như cước, nhưng đôi mắt vẫn tinh nhanh và giọng nói nghe còn sang sảng lắm. Nhất là khi có người "chạm mạch", ông có thể ngồi hàng giờ say sưa kể về đá không biết mệt.Giơ quyển sổ khám sức khỏe, ông tự hào khoe: "82 năm sống nhưng tôi chưa từng có bệnh tật gì, cũng không một lần ốm nặng. Được thế này, cũng là nhờ chơi đá đấy. Gần đá thì xa bệnh, tăng cường sức khỏe, lại nhiều bạn bè... gần như tôi chẳng lúc nào thấy buồn. Thế nên, tôi vẫn thường tự nhận mình là người mắc nợ đá".
Ông bảo, sống gần hết cuộc đời người, nhưng điều ông tự hào nhất là có thể để lại cho đời những khối đá quý như Kỳ Sơn Thạch, tham gia tìm kiếm và tạc tượng Phật ngọc đặt tại Trúc Lâm Thiền Viện, tấm bản đồ Việt Nam bằng gỗ của 64 tỉnh được ông sưu tập trong 23 năm, từng được ghi vào kỷ lục Guinness Việt Nam...
Từng là nhà giáo về hưu, hiện ông Mỹ đang giữ chức:
- Chủ tịch hội đá cảnh, gỗ lũa Hà Nội
- Giám đốc trung tâm đá cảnh, gỗ lũa, tranh tượng dân gian Việt Nam- Phụ trách hội sinh vật cảnh Quận Đống Đa, Hà Nội
Theo Bưu Điện Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét