icon flowerGiới thiệu Cây cảnh - Bonsai

Caycanhbonsai.vn là website chuyên giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật: cây cảnh - bonsai, tiểu cảnh, chim cảnh, cá cảnh, chậu cảnh, hoa cảnh và các dịch vụ đi kèm đến bạn đọc khắp miền Tổ quốc. Chúng tôi thành lập website với mong muốn tạo được cầu nối giữa những người làm nghệ thuật với người mua, giữa người làm nghệ thuật với nhau để trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Đến với chúng tôi, bạn có thể giới thiệu sản phẩm của mình hoàn toàn miễn phí, khách hàng có nhu cầu sẽ trực tiếp liên hệ với bạn mà không phải qua bất kỳ cầu nối nào. Bạn cũng có thể quản lý sản phẩm, các đơn hàng và bình luận của sản phẩm chỉnh mình.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Thiên tuế thiêng ở núi rừng Vĩnh Hảo

Thiên tuế thiêng ở núi rừng Vĩnh Hảo

Không biết từ lúc nào giới chơi thiên tuế đồn rằng: thiên tuế vùng Vĩnh Hảo tích tụ tinh túy của trời đất, của nắng gió khô cằn, trở thành loại cây thiêng

Thiên tuế là loại cây cảnh nhiều tầng lá. Cây mọc hoang ở giữa núi rừng, chịu hạn tốt. Không biết từ lúc nào giới chơi thiên tuế đồn rằng: thiên tuế vùng Vĩnh Hảo tích tụ tinh túy của trời đất, của nắng gió khô cằn, trở thành loại cây thiêng, trường tồn, mang may mắn cho người sở hữu.
(Ảnh minh họa)
Đưa thiên tuế về phố…
Khó khăn lắm, tôi mới có dịp  đi cùng dân đào  thiên tuế Tuy Phong. 7 giờ sáng của một ngày gần đây, chúng tôi theo hướng tây đi về dãy núi Vĩnh Hảo, bắt đầu cuộc tìm kiếm,  những cây thiên tuế mà dân thị thành rất ưa chuộng.
Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, uốn lượn, dẫn vào một vùng rừng núi trơ khốc đá cuội. Ở đây, thời tiết quả thật đỏng đảnh, mây vừa che mát mặt, giờ đã nắng cháy lưng. “Chúng ta sẽ đi bộ băng qua dãy núi này, vào 1 cây số nữa là tới vùng thiên tuế”- Bảy Cường, một thợ rừng dân Phan Rang vừa nói, vừa giục.
Mọi người tìm chỗ giấu xe, tay cầm cuốc, xà ben, giỏ tre…vượt núi. Chúng tôi len lỏi theo những triền núi khô khốc, lâu ngày không có lấy một hạt mưa dưới cái nắng rát bỏng.
Vừa đi, Bảy Cường vừa cho tôi biết chuyến hành trình này cả nhóm thực hiện theo “đơn đặt hàng” của một chủ vựa cây kiểng ở thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, bao quanh ngọn núi này là cây cối um tùm. Nhiều cây thiên tuế mọc cạnh đường đi với hình dáng uốn lượn rất đẹp nhưng nay chỉ còn bãi đá trơ trọi. Bây giờ muốn có cây to, dáng đẹp thì phải vào tận  núi cao, rừng sâu.
Núi rừng thì lúc nào cũng gian nan, hiểm nguy rình rập, những người  đi cùng tôi kể rằng, mặc dù có kinh nghiệm đi rừng, vậy mà có hôm, họ phải… khóc cùng thiên tuế.
Sau hơn hai giờ vượt dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Trước mặt tôi là vùng linh sơn cao chót vót với giống cây đặc trưng lưa thưa lá, xen lẫn những hòn đá to xám mượt  hình thù  dị dạng  chất chồng lên nhau. Cường  ra hiệu mọi người tản ra các hướng, bắt đầu cuộc đi tìm thiên tuế.
Sau khi leo qua hòn đá to, cùng đám dây leo, Cường phát hiện một gốc thiên tuế  đường kính gốc 40cm, cao khoảng 60 cm, đang nhú những chồi non xanh mượt ở phía trên cùng  tầng lá. Nhìn ngắm và suy tính một hồi,  Cuờng lôi đồ nghề ra, cẩn thận dùng chiếc xà ben nậy hòn đá xung quanh lên, rồi dùng cuốc đào  quanh gốc. Mất hơn 30 phút, cây thiên tuế mới được đặt vào giỏ…
Đến chiều, nhóm 5 người của Cường cũng mang được hơn 20 gốc thiên tuế xuống núi. Có được “thành quả” này, cả nhóm phải lặn lội tìm kiếm, còng lưng đào bới giữa trưa nắng gắt, mặt mày đen đúa, chân tay rướm máu. Tâm, một thành viên  của nhóm  nói: “Mong  chuyến hàng hợp đồng này đầu xuôi đuôi lọt. Có tiền, có cái ăn mới đi lại đuợc”.
Dân đi đào thiên tuế quả là không ít người có nỗi niềm vì đa số là dân nghèo, chọn cảnh bán mặt cho núi đá mà kiếm cái sinh nhai. Một ngày phơi dưới nắng, may mắn mỗi người kiếm trên dưới 200.000 đồng.
Vùng Vĩnh Hảo phần lớn là núi đá, khí hậu rất khắt nghiệt. Vậy mà cây thiên tuế vẫn bừng bừng sức sống, xanh tươi bốn mùa. Với giới chơi cây khiểng, thì ngoài lộc vừng, sanh… thiên tuế cũng là loài cây mang lại thú vui tao nhã.
Anh Lê Sơn, 47 tuổi, quê ở Phan Rang cho hay: hơn 10 năm làm nghề đào cây cảnh,  đi qua nhiều cánh rừng, nhưng theo anh: chỉ có thiên tuế vùng Cà Ná (giáp Ninh Thuận) kéo dài tới Đá Mẹp (Vĩnh Hảo) mới đẹp, mới đủ dáng vẻ khác nhau. Nhiều cây “thọ” đến trăm tuổi, đầy đủ các thế: “nhất trụ kình thiên, giáng long, thanh xà vờn hổ phục”...
Những ngày nắng oi ả, cây rừng trơ trụi lá, thiên tuế vẫn xanh tươi, căng tràn sức sống. Có cây lại ra trái, khoe sắc dưới nắng trời oi ả.
Theo anh Sơn, dân chơi bây giờ rất ham thiên tuế rừng. Không chỉ chọn lựa những cây có hình thù kỳ quái, vươn lên từ các gộp đá, dáng ngoằn ngoèo, tạo ra những thế cây “độc”, mà họ còn chuộng những củ thiên tuế thấp tròn như cái bát, cái nồi, đem về chưng  trong những chậu  mi ni, làm đẹp ngôi nhà.
Anh Vĩnh, một thợ rừng ở Vĩnh Hảo, nói: “Nếu muốn có “hàng” đẹp, phải đặt cọc trước 5 ngày. Gốc to, xù xì, cao từ 50 cm đến 1 m có giá từ 2 - 3 “chai” (triệu), đảm bảo  “không đẹp… không ăn tiền”. Xem ra, chơi thiên tuế cũng là một thú chơi khá công phu và tốn kém..
Suy kiệt vùng cây thiên tuế
Núi rừng Vĩnh Hảo chất chứa trong lòng bao kho tàng chuyện ly kỳ, đầy sắc màu huyền thoại về cây thiên tuế. Nơi đây, từng bụi cây, ngọn cỏ, hòn đá đều gắn liền với lời đồn đại về những cây thiên tuế có giá hàng chục triệu đồng.  Theo người dân, nguyên nhân khiến thiên tuế ở Vĩnh Hảo ngày càng ít đi vì giới chơi đồn nhau:  thiên tuế Vĩnh Hảo tích tụ  khí thiêng trời đất, ai mang được cây về nhà sẽ tấn tài, tấn lộc. Thế là, thiên tuế Vĩnh Hảo bị săn lùng, đào bới, tan tác trước  sự ham muốn của con người.
Nhiều lúc để bứng một cây thiên tuế, cánh săn cây kiểng phải đào bạt cả một góc núi, khiến cây rừng xung quanh bị vạ lây. Khi khai thác hết cây to, cây đẹp, người ta nhổ tất tần tật cả cây nhỏ. Mặc dù sống ở nơi có rừng thiên tuế, nhưng người dân Vĩnh Hảo lại ít chơi loại cây này,  nhưng dân Phan Rang thì lại khác. Cứ vài ba ngày,  có một đoàn vào  đào thiên tuế mang đi.
Thiên tuế, nét đẹp hoang sơ của núi rừng Vĩnh Hảo đang bị tàn phá, ngày càng lâm vào thế suy kiệt vì không đủ sức tái sinh. Một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ khó tìm được  những gốc thiên tuế, dù nhỏ.      
Vĩnh Tiến 
Bình Thuận Online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét