icon flowerGiới thiệu Cây cảnh - Bonsai

Caycanhbonsai.vn là website chuyên giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật: cây cảnh - bonsai, tiểu cảnh, chim cảnh, cá cảnh, chậu cảnh, hoa cảnh và các dịch vụ đi kèm đến bạn đọc khắp miền Tổ quốc. Chúng tôi thành lập website với mong muốn tạo được cầu nối giữa những người làm nghệ thuật với người mua, giữa người làm nghệ thuật với nhau để trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Đến với chúng tôi, bạn có thể giới thiệu sản phẩm của mình hoàn toàn miễn phí, khách hàng có nhu cầu sẽ trực tiếp liên hệ với bạn mà không phải qua bất kỳ cầu nối nào. Bạn cũng có thể quản lý sản phẩm, các đơn hàng và bình luận của sản phẩm chỉnh mình.

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Người nông dân và cây duối cảnh "Lưỡng long chầu nguyệt"

Tác phẩm có tên “Lưỡng long chầu nguyệt” là kiệt tác có một không hai mà ông Nguyễn Thế Vững thôn Thiểm Xuyên, xã Thuỵ Hoà phải mất 30 năm dày công chăm tỉa.

Từ trên cao nhìn xuống sân nhà, ai cũng mê mẩn ngắm nhìn đôi cây duối hình rồng uốn lượn. Ông nông dân Nguyễn Thế Vững dáng đen gầy giới thiệu với chúng tôi vườn cây duối cảnh với đủ các kiểu dáng, nhưng ông yêu quý nhất là “Lưỡng long chầu nguyệt”-Đó là bảo bối, đứa con tinh thần mà suốt 30 năm qua ông miệt mài chăm sóc.
Ông Vững kể: “Tôi đến với duối cũng bởi cơ duyên. Cây đầu tiên tôi tìm được trong một lần đi buôn rau sang đất Chùa Bổ (Bắc Giang) khoảng năm 1980  nhìn thấy cây duối hình rồng nằm chơ vơ giữa bãi đất hoang, liền nảy ý định đánh gốc mang về. Hai năm sau vào một buổi trưa tháng 6 trời nóng như thiêu như đốt, tôi đi bắt cua qua một cái gò làng Đông Tảo (Thuỵ Hoà) giật mình nhìn thấy đôi rắn hổ mang lao chạy vào hang. Trước cửa hang có một gốc duối sần sì uốn lượn, rồi mang về. Ai ngờ duối hợp đất, hợp người đâm chồi, nẩy lộc. Từ đó, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ về rồng và ngày ngày đi lang thang đến các bãi đất hoang, những bụi cây rậm tìm cây duối có thể uốn hình rồng”.
Ông Nguyễn Thế Vững bên tác phẩm “Lưỡng long chầu nguyệt”.
Bà Trịnh Thị Thư (vợ ông Vững) cho biết: Lúc đầu tôi cứ thắc mắc khó hiểu ông ấy bỏ bê việc đồng áng, lang thang tìm cây duối để làm gì?”.  Bây giờ ước mơ, công sức của ông Vững trở thành hiện thực nhưng cách đây 30 năm về trước mọi người làng trên xóm dưới ai cũng cười chê gọi ông là “hâm”. Mà ông cũng ngẫm mình hâm thật. Trong khi người dân ai cũng đẩy mạnh sản xuất thâm canh lúa, khoai, mở nghề buôn bán thì ông lại chọn cho mình nghề chơi cây duối cảnh.
Cái thú chơi tao nhã chỉ dành cho bậc thượng lưu vui cảnh điền viên, thưởng nguyệt. Trong khi ông Vững nghèo khó thì thú chơi quả là điều xưa nay hiếm.
30 năm, đôi rồng ấy đã khiến người nông dân lực điền thành một ông già gầy yếu. Ông Vững chia sẻ: “Trồng duối tâm phải tĩnh, để tạo cho mình một cảm hứng và trí tưởng tượng thì mới có thể tạo thế cho duối như các loài cây khác.
Ăn ở với duối, thấy lòng mình luôn khắc khoải, kỳ vọng một điều: Duối cũng có tâm hồn và sức sống mãnh liệt, có niềm vui như đứa con bằng xương bằng thịt của ông cần được chăm sóc. Duối phải ở gần người mới xanh tốt có hồn được”.
Ngắm đôi “Lưỡng long chầu nguyệt” của ông Vững ai cũng thán phục, ngợi khen bởi cái tâm, nét tài hoa sáng tạo. Có rất nhiều người yêu thích trả ông hàng tỷ đồng cho đôi rồng ấy nhưng ông kiên quyết không bán. Nếu bán ông cảm thấy mình có lỗi, vì nó là đứa “con” mà ông phải mất 30 năm mới nuôi dưỡng trưởng thành.
Từ cây duối, các thế cây được ông Vững đặt tên rất hoa mỹ như “Lưỡng long chầu nguyệt”, “bạt phong hồi cố”, “huynh đệ đồng khoa”, “lão giả an chi”, “tắt đèn”… Những cái tên ấy đều rất hợp với thế cây và tạo cho con người yêu mến và cảm nhận thú vị về nghệ thuật bon sai.
Văn Phong
Theo Báo Bắc Ninh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét